Đánh giá Asus Zenbook Duo: Hai màn hình, nhỏ gọn, hiển thị rất đẹp, CPU đời mới, pin trâu, tối ưu cho dân đồ họa, thiết kế

Trong năm 2019 Asus đã tung ra Zenbook Duo Pro với cấu hình mạnh mẽ và thiết kế hai màn hình sáng tạo nhưng mức giá lên tới 75 triệu đồng thì không phải ai cũng sẵn sàng móc hầu bao. Vì vậy trong năm 2020 Asus đã tung ra một phiên bản nhỏ gọn hơn, cắt giảm bớt cấu hình và có mức giá dễ chịu hơn chỉ khoảng hơn 30 triệu đồng nhưng vẫn có trải nghiệm 2 màn hình rất ấn tượng. Mình khá thích chiếc laptop này, thậm chí đã sử dụng làm máy chính để làm việc và khá hài lòng. Xin chia sẻ với mọi người trải nghiệm của mình khi dùng chiếc máy này. Nói luôn là máy tự bỏ tiền mua để trải nghiệm nên đánh giá công bằng và khách quan ko phụ thuộc vào hãng như một số reviewer được tài trợ. Mình cũng ko dám tự nhận là reviewer mà chỉ là một người dùng đam mê laptop thôi J

·      Ưu điểm

o   Thiết kế 2 màn hình độc lạ, không đụng hàng

o   Pin trâu bò, dùng thực tế tới 10 tiếng

o   Bàn phím phản hồi tốt, trackpad cũng khá tốt

o   Màn hình sáng đẹp, màu chuẩn

o   Vỏ kim loại, chắc chắn nhưng vẫn mỏng nhẹ gọn gang

·      Nhược điểm

o   Phím Shift làm mình tức điên, dùng cả tuần vẫn không quen!

o   Màn hình phụ mới chỉ dừng lại ở mức tiềm năng, cần phải chờ phần mềm tối ưu cho màn hình này

o   Màn hình phụ không thay đổi được tỷ lệ hiển thị

o   Không có khe đọc thẻ SD (chỉ có khe microSD).

1.    Thiết kế độc đáo, không có chiếu nghỉ, không dán sticker, rất sang trọng

Nếu bạn đã thấy nhàm chán với các thiết kế chục năm không thay đổi của macbook, thinkpad hay dell xps thì hãy thử ngó qua chiếc laptop hơi “dị” này. Phiên bản mình mua là UX481FL màu xanh rêu, một màu khá độc so với hầu hết laptop hiện nay chủ yếu vẫn là bạc, xám và đen. Vỏ máy kim loại, logo Asus được đặt lệch một bên và in vân chìm các vòng tròn đồng tâm – thiết kế đặc trưng của dòng Zenbook cao cấp. Khi mở máy lên, thiết kế 2 màn hình độc đáo thu hút mọi ánh mắt nhìn. Mình mang máy lên công ty ai cũng tò mò đến xem, nói chung là tính show hàng khá cao :)) Cũng nhờ thiết kế này mà không còn một đống sticker kém sang dán trên bề mặt nữa, tất cả được dán vào mặt đáy máy.

Có một lý do hơi đặc biệt khi mình mua chiếc laptop này, đó chính là cái thiết kế độc lạ này đẩy bàn phím xuống sát phía dưới, nên khi đeo đồng hồ vẫn typing thoải mái chứ không sợ đồng hồ cạ lên chiếu nghỉ như với các laptop thông thường khác. Mình biết có người không thích kiểu thiết kế này (không có chiếu nghỉ cho bàn phím) nhưng với mình thì mình thấy OK, ngoài việc đặt máy tính trên bàn xa ra một chút thì không vấn đề gì cả.

Với layout này khi đeo đồng hồ sẽ không bị đè lên chiếu nghỉ

2.    Màn hình chính: sáng đẹp, sắc nét, màu sắc chuẩn

Màn hình máy có kích thước 14 inch, viền siêu mỏng nên kích cỡ máy khá là gọn gang, chỉ tương đương macbook 13 mà thôi. Độ phân giải Full HD và được trang bị tấm nền IPS cao cấp nên hình ảnh hiển thị sắc nét và góc nhìn rất rộng. Độ phủ màu của màn hình lên tới 100% sRGB và được cấp chứng chỉ Pantone valid về độ chuẩn màu nên rất phù hợp để làm đồ họa, Photoshop, AI, mà ngay cả làm văn phòng hay duyệt web nhìn màn hình này cũng rất thích. Nhờ được phủ một lớp chống chói nên dù văn phòng của mình dùng nhiều đèn trần trang trí thì khi sử dụng cũng không bị phản chiếu. Nói chung màn hình chính không có gì để chê cả, rất ổn.


3.    Màn hình phụ: nhiều tiềm năng

Đây là điểm nhấn của máy nên mình sẽ nói kỹ một chút. Nó là một màn hình cảm ứng, hỗ trợ bút, chiếm trọn chiều ngang của máy và chiếm 50% diện tích. Độ phân giải cao 1920x515 pixel. Có một nhược điểm mà mình muốn nói ngay là màn hình phụ này không hỗ trợ Display Scale như màn hình chính, tức là mọi thứ hiển thị sẽ khá nhỏ. (màn hình chính thì mặc định scale là 150%). Hy vọng các bản windows sau này được cập nhật sẽ hỗ trợ thay đổi tỷ lệ hiển thị này

Có 2 nút điều khiển màn hình phụ này, một là nút Bật/Tắt, hai là nút chuyển đổi swap. Bạn có thể bật tắt ngay khi đang sử dụng mà không cần khởi động lại. Còn nút swap, như đã nói ở trên, nếu chuyển một ứng dụng từ màn hình chính sang màn hình phụ thì mọi chữ sẽ bị co lại khá khó nhìn. Một vấn đề nữa là góc nhìn, nếu chuyển ứng dụng đang chạy xuống hiển thị ở màn hình phụ thì chúng ta cũng phải cúi đầu xuống để nhìn, sẽ mỏi cổ hơn nhiều là nhìn vào màn hình chính. Ở góc nhìn bình thường mà nhìn chéo xuống thì màu sắc sẽ thay đổi không còn đẹp như nhìn trực diện.

Asus đã trang bị sẵn một phần mềm để sử dụng riêng cho màn hình này, bao gồm một số ứng dụng đơn giản như nhận diện chữ viết tay, bàn phím số numpad hay phím gọi tắt các chức năng copy paste, ứng dụng máy tính….về cơ bản thì mình thấy chưa thực sự hữu ích lắm, mặc dù tiềm năng của màn hình phụ này là khá lớn. So với giải pháp Touchbar của Apple hay Touchpad của chính Asus thì màn hình phụ này vượt trội hơn hẳn về kích thước và khả năng hiển thị, lại còn dùng được cả bút cảm ứng. Nhưng trên thực tế thì chưa nhiều phần mềm hỗ trợ cho màn hình kiểu này vì nó còn mới, chúng ta cần kiên nhẫn chờ các hãng phần mềm tối ưu để khai thác hết tiềm năng của màn hình phụ này. Trước mắt thì mình thấy ứng dụng của nó hiệu quả ở 2 khía cạnh: một là kết hợp với bút cảm ứng để dùng làm bảng vẽ điện tử (e-board) và sử dụng chỉnh sửa nội dung với màn hình chính hiển thị hình ảnh và màn hình phụ hiển thị các công cụ, thông số. Đó là đối với dân thiết kế, còn với dân văn phòng thì mình nghĩ cách tận dụng màn hình này là sử dụng đa nhiệm, tức là màn hình chính thì hiển thị văn bản khi gõ, màn hình phụ là cửa số chat hoặc check mail outlook chẳng hạn. Tuy nhiên như đã nói ở trên, màn hình phụ này có góc nhìn kém và lại còn phủ một lớp coating nên hiển thị thua xa màn hình chính và nếu cứ cúi xuống nhìn lâu thì sẽ mỏi cổ. Do vậy mình hy vọng trong tương lai các phần mềm sẽ có bản cập nhật khai thác được màn hình kiểu này tốt hơn. Hiện tại theo mình nó mới chỉ dừng lại ở mức tiềm năng.

  Bàn phím tuyệt vời, nhưng phím Shift thì rất đáng ghét!

Bàn phím của máy rất tốt và mình rất hài lòng. Phím bấm có hành trình cực sâu 1.4mm chẳng thua kém gì máy gaming. Độ nảy vừa phải, không bị quá ồn khi gõ. Kích cỡ các phím cũng rất hợp lý, vừa với đầu ngón tay, có đèn nền 3 mức độ sáng. Bộ phím Fn thì rất chuẩn chỉnh. Một là có thể chuyển đổi qua lại giữa hai chế độ: bấm phím function và Fn+ function một cách dễ dàng. Tức là dù bạn dùng máy để làm excel văn phòng hay để điều khiển multimedia hay dùng cho cả hai thì đều chuyển đổi chế độ phím Fn cực dễ (một số hãng như Lenovo hay HP phải vào tận Bios để chỉnh). Hai là các phím tắt cũng rất hợp lý, đặc biệt mình hay dùng tính năng chụp màn hình bằng phím F11 rất nhanh gọn, không cần phải vào start >> snip >> select screenshot mode nữa. Phím 4 chiều cũng full size, không bị bóp lại bé tý như phím điều hướng trên macbook. Tất cả các phím Fn đều được gán các function phổ biến, như chụp màn hình tích hợp sẵn với phần mềm Snip trong window giúp những người viết bài review như mình thấy làm việc rất tiện. So với các bàn phím khác của Lenovo Ideapad hay Acer Swift hay HP pavilion thì mình thấy bàn phím này của Asus tốt hơn hẳn, hành trình sâu hơn, điều chỉnh được độ sáng đèn backlit và gõ rất nhanh, cảm giác tốt, hầu như không bị gõ sai.

Tuy nhiên riêng phím Shift bên tay phải thì cực kỳ khó chịu. Lần đầu tiên mình thấy phím shift nằm bên phải phím mũi tên. Và kích cỡ của nó cũng chỉ nhỏ bằng ½ phím shift thông thường. Dẫn đến việc mình thường xuyên gõ nhầm phím shift với mũi tên lên, hoặc chạm vào touchpad. Suốt 1 tuần dùng máy vẫn ko thể làm quen và gần như phát điên mỗi khi gõ văn bản, cứ định viết hoa thì lại ấn nút chuyển lên dòng trên. Thiết nghĩ Asus nên nghiên cứu lại layout chỗ này, ít nhất như Zenbook 13 dù phím shift có nhỏ như vậy nhưng nằm bên trái phím mũi tên lên vẫn dễ chịu hơn là cách bố trí kỳ cục này

Trackpad cũng khá ổn, mượt, có phủ kính, có phím trái phải rất nổi bấm có cảm giác. Có thể nói trackpad xứng tầm với mức giá cao cấp của máy, không có gì để phàn nàn cả. Vị trí của nó cũng thuận tiện, ngay ở bên phải bàn phím. Khi mình đang gõ phím rồi rời tay sang bên phải dùng bàn di, có cảm giác giống như là rờ tay đến chuột để sử dụng vậy. Hơi tiếc là không có tính năng bàn phím số numpad như trên bản Dou Pro nhưng theo mình thế này cũng là rất tốt rồi.

Bản lề ngon nghẻ, hiệu quả

Bản lề của máy vẫn là ErgoLift quen thuộc nâng máy lên tầm 1 inch vừa giúp tản nhiệt tốt, âm thanh phát ra lớn hơn và nâng bàn phím lên giúp gõ phím thoải mái hơn. Asus cũng trang bị 2 miếng lot cao su nhỏ để bảo vệ bản lề khi nâng lên. Dùng trên bàn thì tốt nhưng nếu để trên đùi sẽ bị cấn lên đùi. Góc mở của máy không được 180 độ như Lenovo nhưng tầm này cũng khá đủ.

5.    Pin: Đơn giản là tuyệt vời.

Pin của máy xứng đáng với điểm 10. Dung lượng cao ngất ngưởng lên tới 70mwh, gấp đôi mức 35whr phổ biến trên laptop thông thường và không thua kém dòng LG Gram trứ danh là bao, có lẽ là để cân thêm màn hình phụ. Mình vẫn chọn cách tắt màn hình phụ và nếu để ở chế độ better battery thì máy trụ được tới hơn 10 giờ! Phải nói rất ấn tượng. Mình để sạc ở nhà, tối về cắm hôm sau mang lên công ty dùng cả ngày ko sợ hết pin giữa chừng. Tự tin mang máy vào phòng họp làm việc suốt những cuộc họp giao ban kéo dài 4 – 5 tiếng cũng chấp hết. Đi ra ngoài chỉ cầm túi đựng máy, cũng chả phải mang sạc theo. Nói chung là hoàn toàn hài lòng, nhất là khi một viên pin dung lượng cao như vậy nhưng máy vẫn chỉ nhẹ 1.5 kg. Nếu cố moi móc ra nhược điểm để chê thì có lẽ là máy không hỗ trợ sạc qua cổng type C, vốn đã được trang bị trên Mibook hay Thinkbook từ lâu, là những dòng máy rẻ tiền hơn. Tuy nhiên với dung lượng khủng và hỗ trợ sạc nhanh thì mình cũng ko cần chức năng đó nữa, dù là có thì vẫn thích hơn. Kết luận về pin của Zenbook Dou thì có thể nói ngắn gọn là tuyệt vời, bạn sẽ có đủ năng lượng cho cả ngày dài và đây là một chiếc laptop di động đích thực.

Hiệu năng

Không có nhiều điều để nói về hiệu năng của máy. Vì hiệu năng của máy đáp ứng rất tốt các yêu cầu văn phòng cũng như thiết kế đồ họa. Một cấu hình khá hài hòa với CPU i5 4 lõi 8 luồng đời mới, RAM 8GB, VGA rời Nvidia MX250 và SSD Hitachi 512GB. Phần mềm hoạt động nhanh, mượt mà. Chơi các game nhẹ như LOL, PES, Fornite thoải mái dù máy sẽ nóng lên khá nhanh. Nhìn chung với cấu hình này, bạn có thể sử dụng thoải tốt trong 4 năm đại học với Win 10 và các phần mềm phổ biến. 

Kết nối

Máy không có nhiều cổng kết nối, chỉ có 2 USB A và 1 USB C. Kèm theo đó là jack tai nghe 3.5mm và đầu đọc thẻ microSD, hơi tiếc là không có SD reader nhưng dù sao nếu bạn là dân photography thì mình tin là bạn cũng sẽ có một cái đầu đọc thẻ all in one rồi. Kết nối Wifi của máy khá ổn định, test với Speedtest thì đường download thẳng tắp. Mùa dịch vừa qua gần như ai mua laptop cũng hỏi webcam, và may mắn là Zenbook Duo có sẵn webcam chứ không phải mua thêm như các máy ROG Strix. Nhưng chất lượng webcam khá tệ chỉ đủ dùng thôi.


Kết luận
Zenbook Duo là một cỗ máy tạo được ấn tượng tốt với hiệu năng ổn, thiết kế độc đáo và thời lượng pin cực kỳ trâu bò. Mỗi khi ra ngoài, mình chỉ cần mang mỗi máy theo là đủ, không cần mang sạc hay chuột theo nữa vì pin quá tốt, trackpad cũng ngon lành. Dù là làm media hay thiết kế hay văn phòng thì mình đều thấy phù hợp cả, vì máy có màn hình đẹp, gọn gàng mỏng nhẹ và mọi thứ đều ổn (trừ phím Shift khốn nạn). Vấn đề cuối cùng là bạn có sẵn lòng bỏ ra 30 triệu để rinh em nó về hay không mà thôi. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đánh giá Asus F571: Thiết kế văn phòng, cấu hình gaming!

Đánh giá Lenovo S340 bản 14 inch 2020: Hiệu năng cải tiến, màn hình cải lùi