Đánh giá Lenovo S340 bản 14 inch 2020: Hiệu năng cải tiến, màn hình cải lùi


Lenovo S340 là cái tên mới nhất trong dòng sản phẩm phổ thông của thương hiệu đến từ Trung Quốc Đại Lục. Được trang bị phần cứng mới nhất từ Intel là CPU thế hệ thứ 10 cùng với SSD Samsung hàng hiệu, máy có hiệu năng vượt trội so với thế hệ cũ, chơi được cả một số game 3D mới tuy nhiên màn hình lại không tốt bằng model 330S đời cũ.

Thiết kế
S340 là phiên bản kế tiếp của 330S và vẫn giữ nguyên thiết kế đơn giản gọn gang của đời trước đó, vốn có từ 2017. Thiết kế này có lẽ đủ tốt để Lenovo tiếp tục duy trì mà không cần thay đổi gì nhiều vì nó khá mỏng nhẹ (1,6kg), thanh lịch. Logo Lenovo được đặt một góc nhỏ ở cạnh máy, khiến vỏ máy đơn giản và trang nhã nhưng vẫn có điểm nhấn. Điều hài long ở thiết kế này là nó khá gọn gàng, máy 14 inch nhưng chỉ nhỏ như máy 13,3 inch mà thôi. Chính xác là nó có kích cỡ y hệt macbook air 2017 và nhét vào vừa khít chiếc túi chống sốc của Mac Air. Máy có bản lề rất tốt, có thể mở 170 độ cũng như mở máy bằng một tay.


Mặc dù hầu hết chất liệu làm từ nhựa nhưng Lenovo đã khéo léo sử dụng lớp sơn bạc giả kim loại khá đẹp mắt, khiến máy trở nên cứng cáp và trẻ trung hơn so với màu đen. Tóm lại thì thiết kế ổn, trung tính, không nổi bật nhưng cũng có điểm nhấn, phù hợp với dân văn phòng cần sự trang nhã, lịch sự.

Hiệu năng
Cấu hình:
CPU 1035G1 4 lõi 8 luồng
RAM 4GB (dư 1 khe nâng cấp)
SSD 512GB Samsung
VGA onboard UHD
Với cấu hình trên, S340 đáp ứng rất tốt các nhu cầu văn phòng, học tập. Nhờ vào SSD máy khởi động cũng như tắt đi cực nhanh. Mở app cũng rất nhanh. Kết quả đo tốc độ ổ cứng có thể nói vào loại xuất sắc, có thể sánh ngang các laptop nhanh nhất hiện nay. Nói chung các công việc thông thường sẽ chạy mượt mà trên chiếc laptop này, bạn có thể mua và yên tâm sử dụng vài năm nữa cũng ko lo bị chậm.
Máy còn có thể chơi được game phổ thông nhờ vào card đồ họa đời mới. Trước đây mình đã không thể chơi Fortnite trên Lenovo 330S (8250u) thì nay với S340, máy đã chơi được, thậm chí mặc định còn gợi ý để setting medium (tuy nhiên sau đó mình đã chuyển về low như trong video). Tất nhiên chiếc máy mỏng nhẹ một quạt tản nhiệt này không phải để cày game nặng trong nhiều giờ liền. Mình chỉ dung để chơi PES 6 mà thôi.
Nói thêm về VGA onboard của máy. Mặc dù vẫn là “cạc on” nhưng GPU của 1035G1 đã mạnh hơn tương đối so với VGA on của thế hệ thứ 8. VGA này không chỉ dung để chơi game nhẹ mà còn hữu ích khi xem video (có tính năng giải mã H265 và H264 bằng GPU, giúp giảm tải cho CPU và giải mã nhanh hơn). Ngoài ra VGA này cũng có công nghệ Intel QuickSyncVideo giúp convert video khá nhanh. Mình thử test với FactoryFormat 5, QSV đã nhanh hơn CPU tới 3 lần trong thao tác convert video! Thế nhưng thật đáng tiếc video convert bằng QSV vẫn cho chất lượng thấp hơn một chút so với convert bằng video, mặc dù mình dung chung một profile. Video đầu ra hơi bị bết màu ở cảnh chuyển động nhanh.
Tóm lại là sức mạnh của máy là khá tốt trong phân khúc, GPU cũng được cải tiến nhiều và thậm chí còn chơi được một số game ở mức thiết lập thấp. Những cải tiến và sức mạnh của máy là rất tốt.
Màn hình
Nếu như sức mạnh tính toán của S340 là rất tốt trong phân khúc giá rẻ thì màn hình lại chỉ ở mức trung bình. Mặc dù vẫn là màn hình Full HD sắc nét có 3 cạnh viền siêu mỏng nhưng tấm nền của máy lại chỉ là TN. Tấm nền này cho màu sắc nhợt nhạt và góc nhìn kém hơn so với tấm nền IPS, đây là một điểm trừ khá lớn nếu so sánh với model 330S đời trước. Điều đó có nghĩa là máy phù hợp với tác vụ văn phòng, học tập, chơi game nhẹ nhưng không phù hợp cho chỉnh sửa ảnh, làm các công việc liên quan đến thiết kế đồ họa. Khi làm việc bạn nhìn thẳng vào màn hình nhé, nếu nhìn góc nghiêng màu sắc sẽ thay đổi


Phía trên màn hình là một webcam cho chất lượng hiển thị trung bình, mình thấy tốt hơn webcam trên Acer a315, một mẫu khác mình đã từng dung. Webcam cũng có nút gạt để che lại, bảo vệ sự riêng tư.
Bàn phím và Touchpad
Cũng không có thay đổi gì so với phiên bản trước, bàn phím trên S340 có độ nảy khá, không bị flex khi gõ phím mạnh. Bàn phím cũng ít bám dấu mồ hôi và vân tay, vấn nạn mà mình gặp phải trên Y530/540 trước đây. Tuy nhiên do không có đèn nền nên bạn làm việc buổi tối nhất thiết phải bật đèn. Một điều khó chịu nhỏ là phím mũi tên lên xuống khá nhỏ, bạn này tay to sẽ gặp chút khó khăn khi dò các dòng trong excel bằng 2 phím này. Cuối cùng, nếu muốn thay đổi chế độ của các phím từ F1 đến F12 thì bạn cần phải vào bios để thiết lập, không có tổ hợp phím chuyển đổi Function/Hotkey như trên dòng máy của Asus. Nói chung bàn phím này không khiến bạn mất nhiều thời gian để làm quen đâu, và khi đã gõ quen thì cũng khá ổn, ít khi gõ sai, cảm giác về độ nảy, hành trình là tương đối tốt.

Touchpad hỗ trợ Precision Driver nên thao tác vuốt khá ngon. Mình cảm thấy nó hơi rít hơn một chút xíu so với các mẫu máy khác nhưng chính ra như vậy lại tạo được cảm giác phản hồi mỗi khi vuốt ngón tay lên. Không có phím chuột trái phải, có người thích kiểu này, có người lại không. Cá nhân mình thích kiểu buttonless touchpad thế này vì nó tối giản, rất tương đồng với thiết kế của vỏ máy nữa.
Về pin và tản nhiệt
Máy được trang bị một viên pin khá là lớn so với cỡ máy chỉ 14 inch, lên tới 52Wh. Nên biết rằng Vivobook 15 inch cũng chỉ được trang bị pin 42Wh mà thôi. Mình test thử với Battery Mon thì xem video liên tục được 6 tiếng, xem Youtube 720p liên tục được 6,5 tiếng ở 50% âm lượng, gõ văn bản (đang gõ bài này đây) khi máy còn 70% thì vẫn báo còn 5 tiếng rưỡi nữa. Như vậy có thể thấy ứng dụng văn phòng thì pin khá lâu, tuy nhiên nếu mình vào web qua wifi thì thấy pin lại tụt nhanh hơn, chỉ được hơn 4 tiếng? Dù sao đi nữa mình nghĩ máy có dung lượng pin đủ dung cho từ 4 – 6 tiếng tùy tác vụ, cũng khá ổn trong phân khúc này.
Máy có vẻ nóng hơn 330S đời trước một chút ít nhưng nếu bạn không để ý có lẽ cũng ko nhận ra. Trên bàn phím hơi ấm nhẹ ở phần có gắn SSD, đây là điều bình thường vì SSD nvme tốc độ cao thường nóng hơn một chút, nhưng nếu bạn chỉ gõ văn bản hay coi phim thì cũng ko cần quan tâm.
Kết nối
Máy có 2 cổng USB A, một cổng USB C và một HDMI, cũng có một khe SD. Khe SD này là dạng “nhét thẻ”, tức là nhét vào vẫn lòi ra ½ cái thẻ ra ngoài. Mình thích khe SD dạng lò xo hơn, nhét thẻ vào sâu hết bên trong như Dell E7440, không bị lòi ra ngoài. Dùng thẻ SD để mở rộng dung lượng cũng là một ý hay, nhất là đối với các máy đời mới thường chỉ có SSD 256GB. Mình nghĩ máy có them 1 cổng usb nữa sẽ tốt hơn, vì chỉ có 2 cổng mà đã mất 1 cổng để cắm receiver chuột không dây rồi. Nếu muốn dung 2 cổng cùng lúc bạn nên dung chuột Bluetooth.


Ngoài ra có một vấn đề nhỏ khi mình review máy đó là máy bị BOSD khá nhiều. Đóng nắp máy cũng bị, sleep cũng bị, thậm chí tắt máy bật lên cũng bị màn hình xanh. Mình đã cài lại win, update driver mới nhất nhưng vẫn dính. Cuối cùng, vào bios, chỉnh mode ổ cứng là AHCI thay cho IntelRST thì hết. Xem ra RST trên máy này chưa ổn định, hoặc nó chưa tương thích tốt và cần cập nhật driver, các bạn lưu ý chỗ này.
Tổng kết lại, Lenovo S340 là một bản nâng cấp nhẹ của 330S với thiết kế giữ nguyên, hiệu năng mạnh hơn, pin có dung lượng gấp rưỡi. VGA mặc dù chỉ là onboard nhưng cũng đã mạnh hơn đáng kể. Chỉ tiếc là màn hình của máy đã bị “hạ cấp” xuống tấm nền TN nên nó không phù hợp cho làm đồ họa Illustrator hay chỉnh sửa ảnh PS. Còn nếu để dung văn phòng hay học tập thì máy đáp ứng rất tốt với sức mạnh của CPU thế hệ mới nhất, lại khá gọn gang và thanh lịch trong thiết kế, kết hợp với pin tương đối tốt. Nếu bạn là sinh viên kinh tế, người đi làm hay đơn giản là muốn mua một chiếc máy đủ mạnh để dung trong vài năm tới không bị giật lag thì đây là một lựa chọn tốt.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đánh giá Asus Zenbook Duo: Hai màn hình, nhỏ gọn, hiển thị rất đẹp, CPU đời mới, pin trâu, tối ưu cho dân đồ họa, thiết kế

Đánh giá Asus F571: Thiết kế văn phòng, cấu hình gaming!